Kỹ năng lấy trọn 3 điểm đọc hiểu môn Ngữ văn

Kỹ năng lấy trọn 3 điểm đọc hiểu môn Ngữ văn

Đọc hiểu là phần chiếm 3 điểm trong đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT, thí sinh nắm vững cấu trúc và phương pháp làm bài có thể lấy điểm tối đa.

Cô Hồ Ái Linh, giáo viên Văn trường THCS – THPT Đào Duy Anh, TP HCM, nêu một số lưu ý với thí sinh khi làm các dạng đọc hiểu đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cô Hồ Ái Linh, giáo viên Văn, trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Hồ Ái Linh, giáo viên Văn, trường THCS – THPT Đào Duy Anh, TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay theo đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm hai phần: Đọc hiểu (3 điểm); Làm văn với một câu nghị luận xã hội (2 điểm) và một câu nghị luận văn học (5 điểm). Thời gian làm bài 120 phút.

Qua đề thi THPT quốc gia các năm trước và tốt nghiệp THPT năm 2020, có thể thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề ngày càng sát với thực tiễn, hướng đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh. Phần đọc hiểu có 4 câu hỏi tương ứng với 4 mức độ nhằm đánh giá học sinh một cách khách quan nhất: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

Phạm vi ngữ liệu của dạng đề này chủ yếu ở hai hình thức: Văn bản văn học (hay văn bản nghệ thuật) và văn bản nhật dụng.

Văn bản văn học thường có: Văn bản trong chương trình (thường là các văn bản đọc thêm); văn bản ngoài chương trình (các văn bản cùng loại với các văn bản được học trong chương trình).

Văn bản nhật dụng là loại có nội dung gần gũi, thiết thực với cuộc sống của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại như chủ quyền biển đảo, thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền trẻ em, phòng chống ma túy… Văn bản nhật dụng có thể dùng tất cả thể loại, nhưng thường được lấy từ loại văn bản nghị luận và văn bản báo chí.

Ngữ liệu thường được đưa ra là các vấn đề gần gũi, phù hợp với nhận thức và trình độ của các em, đặc biệt là những vấn đề hiện hữu trong đời sống hàng ngày, được cộng đồng chú ý và có những bài học nhân văn sâu sắc.

Phần Đọc hiểu trong đề tham khảo Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 1/4.

Phần Đọc hiểu trong đề tham khảo Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 1/4.

Sau khi nắm được cấu trúc và phạm vi ngữ liệu của đề đọc hiểu, học sinh cần làm quen hệ thống câu hỏi trong phần này. Phần Đọc hiểu sẽ có 4 câu hỏi như sau:

Thứ nhất, dạng câu hỏi nhận biết. Câu hỏi này hướng đến khả năng nhận biết đúng các phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, hình thức lập luận, nội dung chính của đoạn văn, thể thơ. Với dạng câu hỏi này, học sinh cần hiểu nội dung của đoạn ngữ liệu và áp dụng kiến thức cơ bản mình đã học được để giải quyết vấn đề.

Ví dụ 1:

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

“Hãy xuống đường để nhìn thấy khuôn mặt anh chị em ta
Ôi khuôn mặt được đúc bằng chân lý
Từ Việt Nam từ con đường đánh Mỹ
Hôm nay rạng rỡ tự hào!
Hãy xuống đường để nhìn thấy khuôn mặt anh chị em ta!

Những ánh mắt sau đêm dài, nhìn thấy
Kẻ thù kia và đây đồng đội
Tàn bạo kia, đánh chính nghĩa là mình

Cái đích một đời, cái nghĩa hy sinh
Lẽ sống lớn lao, tình yêu cháy bỏng
Phút này đây chúng ta đều tiếp cận
Phút này đây đồng nghĩa cuộc đời mình

Ta vụt lớn lên trong nhịp bước tuần hành
Ngực trải rộng chứa cả tầm biểu ngữ
Trường thành cổ, ta làm trường thành trẻ
Sông lặng im, ta đổ sóng mặt đường

Ta không còn là ta của đau thương
Ta là quê hương, ta là sức mạnh…”.

(Theo “Xuống đường”, Nguyễn Khoa Điềm)

Dạng 1: Đoạn thơ trên sử dụng thể thơ gì?

Dạng 2: Đoạn trích trên sử dụng phong cách ngôn ngữ gì?

Dạng 3: Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt gì?

Thứ hai là dạng câu hỏi thông hiểu, yêu cầu học sinh dựa vào nội dung văn bản để lý giải hoặc giải quyết các tình huống, vấn đề trong văn bản. Học sinh sắp xếp, phân loại được thông tin trong văn bản; kết nối, đối chiếu, lý giải, mối quan hệ của thông tin để lý giải nội dung của văn bản; cắt nghĩa, lý giải nội dung, hiệu quả các biện pháp tu từ, các chi tiết, sự kiện thông tin có trong văn bản.

Ở dạng câu này, học sinh dựa vào nội dung có sẵn trong văn bản để trả lời câu hỏi tại sao và những vấn đề liên quan. Với mức độ này chỉ yêu cầu các em hiểu văn bản, dựa trên ngữ liệu có sẵn giải quyết vấn đề.

Ví dụ 2:

Đọc câu hỏi sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Nhiều người nghĩ rằng người trưởng thành nghĩa là người đã đạt đến một độ tuổi nhất định nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, đó là định nghĩa cổ điển về mặt sinh học. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nếu một người có nhiều tuổi nhưng vẫn sống dựa vào người khác, vẫn không nỗ lực phấn đấu, vẫn ỷ lại, chây lười ăn bám… thì liệu có khác gì một đứa trẻ? Một người như thế không thể được coi là người có kinh nghiệm sống và càng không thể được coi là một người trưởng thành, mà chỉ đáng được gọi là một đứa trẻ có nhiều tuổi.

Kinh nghiệm sống và sự trưởng thành không phụ thuộc vào việc bạn đã sống bao lâu, mà phụ thuộc vào việc bao nhiêu năm qua bạn đã và đang sống như thế nào. Người trưởng thành là người:

– Muốn làm chủ vận mệnh của mình, thay vì ỷ lại, chây lười, ăn bám, đổ lỗi cho số phận.

– Muốn hoàn thành tốt công việc của mình để có một sự nghiệp rạng rỡ.

– Muốn biến những khó khăn thách thức thành cơ hội giúp mình thành công hơn.

– Muốn giữ vững vị thế và lợi thế cạnh tranh trong một thời đại mà sự cạnh tranh đang trở nên ngày một quyết liệt.

– Muốn liên tục xây dựng và phát triển lòng tự trọng và sự tự tin của mình để ngẩng cao đầu mà sống…

(Theo “Chiến thắng trò chơi cuộc sống”, Adam Khoo)

Dạng 1: Theo định nghĩa cổ điển, thế nào là người trưởng thành?

Dạng 2: Theo tác giả bài viết, thế nào là người trưởng thành?

Dạng 3: Tại sao tác giả cho rằng “Kinh nghiệm sống và sự trưởng thành không phụ thuộc vào việc bạn đã sống bao lâu?”.

Gợi ý trả lời như sau:

Dạng 1: Theo định nghĩa cổ điển, người trưởng thành là người đã đạt đến một độ tuổi nhất định nào đó trong cuộc sống.

Dạng 2: Theo tác giả bài viết, người trưởng thành là:

– Muốn làm chủ vận mệnh của mình, thay vì ỷ lại, chây lười, ăn bám, đổ lỗi cho số phận.

– Muốn hoàn thành tốt công việc của mình để có một sự nghiệp rạng rỡ.

– Muốn biến những khó khăn thách thức thành cơ hội giúp mình thành công hơn…

Dạng 3: Tác giả cho rằng “Kinh nghiệm sống và sự trưởng thành không phụ thuộc vào việc bạn đã sống bao lâu” vì nó phụ thuộc vào việc bao nhiêu năm qua bạn đã và đang sống như thế nào.

Thứ tư là dạng câu hỏi vận dụng thấp, yêu cầu khả năng vận dụng của người đọc ở mức độ vừa phải. Học sinh hiểu như thế nào về vấn đề yêu cầu, hay từ đoạn trích trong tác phẩm và giải thích tại sao tác giả lại đưa ra nhận định đó.

Câu hỏi vận dụng thấp thường yêu cầu nêu tác dụng của các phép tu từ hay việc sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt, sử dụng từ ngữ… trong văn bản; giải thích câu ngữ liệu, nhận xét đánh giá vấn đề, thái độ của tác giả về sự việc.

Học sinh phải biết vận dụng kiến thức, biết sử dụng phương pháp, nguyên lý hay ý tưởng để giải quyết một vấn đề nào đó. Đặc biệt, trong quá trình viết, học sinh nên đi thẳng vào vấn đề, tránh dẫn dắt dài dòng xa trọng tâm trên nguyên tắc đúng – đủ. Dung lượng của phần này sẽ tầm 5-7 dòng, những em có lập luận chặt chẽ, chắc chắn, logic sẽ đạt điểm tối đa.

Ví dụ 3:

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, là vấn đề tồn tại hay không tồn tại của từng dân tộc.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là tài sản vô giá, là linh hồn của dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử; được viết lên bằng máu, nước mắt và mồ hôi của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, nó là biểu tượng của sự trường tồn, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc.

Dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đặc trưng tiêu biểu, khí phách và tâm hồn dân tộc được thể hiện rõ nhất qua bản sắc dân tộc. Dân tộc, quốc gia nào nếu không biết kế thừa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giảm di sản văn hóa dân tộc mình thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu, bởi văn hóa không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực của sự phát triển xã hội. Nhưng tiếp thu nền văn hóa tiên tiến, mang tính thời đại phải trên cơ sở kế thừa, bảo tồn và khai thác truyền thống đạo đức, tập quán, lòng tự hào dân tộc. Nền văn hóa dân tộc là nguồn vốn quý báu, thiêng liêng của một dân tộc”.

(Theo Hà Phan, “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 8/10/2015)

Dạng 1: Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến sau: “Tiếp thu nền văn hóa tiên tiến, mang tính thời đại phải trên cơ sở kế thừa, bảo tồn và khai thác truyền thống đạo đức, tập quán, lòng tự hào dân tộc”?

Dạng 2: Anh (chị) có nhận xét gì về thái độ của tác giả đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc?

Dạng 3: Vì sao tác giả cho rằng bản sắc văn hóa là biểu tượng của sự trường tồn, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc.

Cuối cùng là câu hỏi vận dụng cao, dạng câu kiểm tra năng lực vận dụng của người học (khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hành). Các câu hỏi thường gặp là: “Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/ chị?”; “Bài học anh/ chị rút ra từ đoạn trích trên là gì?”; “Anh/chị hãy đưa ra các giải pháp đối với vấn đề được nêu ra trong đoạn trích”; “Anh/ chị có đồng tình với quan điểm không, vì sao”.

Để làm được câu hỏi này, học sinh phải có chính kiến, biết nhìn nhận, đánh giá vấn đề và đưa ra những quan điểm của mình. Lập luận của học sinh phải mang tính thuyết phục, rõ ràng, có trọng tâm. Dung lượng bài làm nên ở mức 5-7 dòng.

Ví dụ 4:

Từ ngữ liệu của ví dụ 2 ta có một số dạng câu hỏi:

Dạng 1: Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Kinh nghiệm sống và sự trưởng thành không phụ thuộc vào việc bạn đã sống bao lâu, mà phụ thuộc vào việc bao nhiêu năm qua bạn đã và đang sống như thế nào?” không? Vì sao?

Dạng 2: Anh/chị có nhận xét gì về quan điểm những biểu hiện của người trưởng thành ở tác giả.

Nhóm thí sinh tại điểm thi trường Marie Curie (quận 3, TP HCM) sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhóm thí sinh tại điểm thi trường Marie Curie (quận 3, TP HCM) sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhìn chung, đề làm tốt phần đọc hiểu, học sinh cần đọc kỹ đoạn trích ngữ liệu 2-3 lần, vạch sẵn nội dung chính của văn bản để dễ dàng hình dung, phát hiện vấn đề. Câu 1 và 2 thường chỉ cần áp dụng kiến thức cơ bản, do đó học sinh cần xác định đúng vấn đề, tránh nhầm lẫn sai sót và mất nhiều thời gian.

Câu 3, 4 yêu cầu nêu quan điểm cá nhân, cần trình bày rõ ràng, thẳng thắn, lập luận chặt chẽ, tránh sa đà kể lể, vòng vo, dễ lạc đề. Học sinh cần tránh trùng lặp quá nhiều ý kiến của bản thân với đoạn ngữ liệu. Dung lượng cho hai câu vừa phải, tiết kiệm thời gian để hoàn thành các câu hỏi khác.

Phần đọc hiểu chỉ nên làm trong 20-25 phút, đừng mất nhiều thời gian cho phần này mà không đủ giờ làm cho các câu còn lại. Ở phần này, những học sinh có cách trình bày khoa học, sáng tạo và cá tính sẽ có điểm cộng.

Một số nội dung phần đọc hiểu có thể ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em có thể lưu ý và tìm hiểu như: Covid-19 và sự chung sức đồng lòng của xã hội, ý thức cá nhân với cộng đồng trong dịch bệnh; tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, tình người; chủ quyền biển đảo, niềm tự hào dân tộc; khai thác thế mạnh của đất nước, vai trò, tiềm lực của thế hệ trẻ; xây dựng, phát triển bản lĩnh, cái tôi cá nhân, rèn luyện kỹ năng, đạo đức phẩm chất.

Bài viết liên quan