2K3 và những điều không thể bỏ qua trong năm học cuối cấp

Năm học 12 luôn được xem là thời gian căng thẳng nhất của đời học sinh vì phải chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ngay từ đầu năm học. Ngay sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn cho năm 2020, không ít bạn đã cảm thấy “rối loạn”. Nhưng đừng vội hoang mang, đây là một vài bí kíp giúp bạn định hướng cho năm học cuối cấp thật “trơn tru”.

Chuẩn bị hồ sơ học bạ “thân thiện”

Nếu việc tuyển thẳng đại học từ lâu đã được xem là một “ưu tiên” xa xỉ chỉ dành cho những bạn có thành tích Học sinh Giỏi Quốc gia, quốc tế thì trong những năm gần đây, đã có rất nhiều trường cho phép học sinh dùng học bạ THPT của mình để xét tuyển ưu tiên.

Tùy thuộc vào điều kiện tuyển sinh của mỗi trường mà sẽ có những yêu cầu riêng về các chứng chỉ ngoại ngữ cần thiết, bên cạnh đó, “profile” cấp Ba “đẹp mắt” cũng là một điểm cộng của học sinh. Với việc xem xét năng lực học tập và bảng điểm của 5 học kỳ (từ Học kỳ I lớp 10 đến Học kỳ I năm lớp 12) cùng nhận xét từ giáo viên, cơ hội bước vào những ngôi trường mơ ước sẽ không còn là quá xa với học sinh nữa.

Không để “nước đến chân mới nhảy”

Dành cho những học sinh đã xác định được mục tiêu của mình trong tương lai. Tùy thuộc vào một số ngành nghề, điểm đầu vào của kỳ thi đại học sẽ được lấy rất cao, chính vì vậy, để có được một phiếu báo điểm tốt đúng như mong đợi, bạn đừng nên bỏ qua những lời khuyên “sang – xịn” đến từ các “tiền bối” sau:

Trần Nguyễn Quỳnh Như, chủ nhân điểm 10 môn Toán kỳ thi THPT Quốc gia 2020 tiết lộ: “Mọi người thường nghĩ cứ phải có năng khiếu mới học giỏi Toán, nhưng thực ra bí quyết của mình là thích thú và siêng năng. Mình thích học Toán nên đã dành nhiều thời gian cho môn học này, bên cạnh đó, việc luyện đề thường xuyên cũng là cách để mình tổng hợp kiến thức, rèn phản xạ với đề và học thuộc công thức nữa đó.”

Lê Thị Trúc Hà, sinh viên khoa Báo chí, trường Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Trước khi bắt đầu bước vào một kỳ thi, mình thường xem xét điểm chuẩn của những năm trước đó về ngành nghề mình lựa chọn như một cách để tự đặt điểm chuẩn cho chính mình. Sau đó chia số điểm trên cho ba môn trong tổ hợp môn thi để có được định hướng chính xác cho từng môn, từ đó phân bổ thời gian ôn tập một cách hợp lý”.

Khám phá những con đường Đại học

Thầy Trần Văn Đúng (giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Quận 1, TP.HCM) cho rằng, với sự đang dạng ngành nghề như hiện nay, mỗi teen khi tốt nghiệp THPT sẽ có rất nhiều sự lựa chọn cho bản thân nhưng cần cân nhắc thật kỹ về học lực, điều kiện gia đình, sở thích, nhu cầu lao động, yêu cầu bằng cấp… để đưa ra quyết định chính xác.

“Cha mẹ thường có những kỳ vọng ở con mình, nhưng nếu nó không đúng với đam mê, ước mơ của bản thân thì các bạn cứ mạnh dạn thuyết phục ngược lại cha mẹ. Trường “top” hay “không top” không quan trọng, quan trọng là bản thân bạn phải thích, phải đam mê, thì mới gắn bó với trường, với nghề dài lâu được. Chọn ngành chứ không nên chọn trường, đó mới là điều mà bạn và các bậc phụ huynh nên quan tâm”, thầy Đúng tư vấn.

Bài viết liên quan